Yomawari: The Long Night Collection là một bộ sưu tầm series game kinh dị sinh tồn, phát hành vừa đúng dịp Halloween năm nay dành cho nền tảng Nintendo Switch. Khác với những tựa game kinh dị thường có những hình ảnh và môi trường rất đáng sợ, gây nên sự sợ hãi trong tâm trí người chơi ngay từ những hình ảnh đầu tiên thì Yomawari: The Long Night Collection ngược lại. Bộ sưu tầm này mang đến một thế giới với các nhân vật hết sức dễ thương. Ngay cả các bạn ma trong đó cũng có không ít những nhân vật rất đáng yêu, dù đằng sau đó thì chưa chắc mọi thứ đúng như bạn nghĩ. Đó có thể là một thế giới rất tăm tối với những yếu tố tâm linh kỳ lạ, những câu chuyện đau lòng hoặc những khoảnh khắc giật nảy người lạnh toát sống lưng. Đó chính là những gì mà bạn có thể mong đợi khi trải nghiệm Yomawari: Long Night Collection, mang đến cả hai phần chơi Yomawari trong một bộ sưu tầm game.
Yomawari là nhân vật biểu tượng của cả series, có hình dạng như một con sên với nhiều xúc tu và một mắt nhắm hờ hững. Dù vậy, nó có khả năng cảm nhận rất rõ mọi thứ xung quanh và lúc thì trở nên nguy hiểm vô cùng nhưng cũng có lúc lại rất tốt bụng, không biết đường nào mà lần. Đây là một sinh vật bí ẩn chỉ xuất hiện vào ban đêm, thường bắt cóc những bé gái đi lang thang lúc nửa đêm, bỏ vào một chiếc túi mà nó luôn mang theo. Người ta tin rằng nó là cái kén của nhiều linh hồn với những tính cách khác nhau. Ngoài việc cùng có sự xuất hiện của sinh vật này ra, Yomawari: Night Alone và Yomawari: Midnight Shadows không có gì liên quan về mặt nội dung. Cả hai chỉ có cùng phong cách đồ họa và lối chơi, nhưng lại mang đến cảm nhận rất khác biệt giữa hai trải nghiệm.
Trong Yomawari: Night Alone, người chơi sẽ vào vai một bé gái không rõ tên và tham gia vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm người chị gái bị mất tích. Yomawari: Midnight Shadows thì đưa bạn đến với cuộc phiêu lưu của hai người bạn lạc mất nhau sau một buổi đi xem bắn pháo hoa cuối cùng trước khi chia tay. Với thứ “vũ khí” duy nhất là đèn pin trên tay, người chơi sẽ phải khám phá cả thị trấn và đối mặt với những nguy hiểm từ những con ma hay linh hồn và sinh vật ở khắp nơi, giải những câu đố để tìm người thân yêu. Cả hai đều mang đến cảm giác trải nghiệm hết sức cô độc khi lang thang trên những con phố vắng vẻ và tăm tối. Nhưng ẩn sâu trong đó là những cuộc chạy trốn bán sống bán chết để sinh tồn, những cảnh màn hình đỏ lòm mỗi khi bạn va phải một con ma nào đó.
Kinh khủng hơn là bạn không thể làm gì để chống trả ngoài việc soi đèn để thấy một số những linh hồn hay con ma lang thang. Trong khi bạn lang thang khắp nơi để tìm cách giải quyết một câu đố nào đó, thường là tìm lối đi khác để tiếp cận một khu vực nào đó trong trải nghiệm, một con ma có thể từ đâu đó bất ngờ chạy ngang qua lao thẳng vào bạn mà không kịp né tránh. Kết quả là màn hình đỏ hiện lên, người chơi bị ném về lại với bức tượng Jazu vừa dùng để dịch chuyển nhanh giữa các khu vực, mà cũng là một chỗ save nhanh giữa trải nghiệm. Phần lớn lối chơi của hai game trong Yomawari: The Long Night Collection đều tuyến tính và tập trung vào yếu tố thử và sai. Bạn sẽ để nhân vật chết rất nhiều vì những chướng ngại vật mà trò chơi đưa vào, và sau đó tự nhớ để né tránh chúng vào lần sau.
Yếu tố này có thể khiến trải nghiệm trở nên khá căng thẳng đến cùng cực, đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao ở người chơi. May mắn là ngay cả khi bạn để nhân vật chết giữa trải nghiệm thì những vật phẩm lấy được trước đó vẫn được giữ lại, giảm bớt yếu tố “đau khổ” cho người chơi. Tôi không nhớ tính năng này có từ khi trò chơi phát hành lần đầu các hệ PlayStation Vita, Windows và PlayStation 4 hay chỉ mới được bổ sung trong bộ sưu tầm Yomawari: The Long Night Collection cho nền tảng Nintendo Switch, nhưng nó giúp trải nghiệm đỡ ức chế hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, người chơi còn phải chú ý đến nhịp tim của nhân vật, được hiển thị bằng một thanh dài ở dưới cùng màn hình.
Đây cũng là thanh sức khỏe của nhân vật cho mục đích chạy nhanh, nhưng khi đụng phải kẻ thù thì thanh này đập loạn xạ và thu lại rất nhanh mỗi khi bạn chạy. Nó nhanh hơn rất nhiều so với bình thường bạn chạy và không có kẻ thù nào xung quanh. Về mặt khoa học, khi bạn sợ hãi một điều gì đó, tim của bạn sẽ đập nhanh hơn và sản sinh nhiều hóc-môn adrenaline làm tăng nhịp tim và huyết áp, giúp cơ thể sẵn sàng chạy trốn khỏi nguy hiểm hoặc chiến đấu chống lại nỗi sợ hãi đó. Thế nhưng, nếu adrenaline tràn quá nhiều vào tim, nó sẽ là một chất độc và gây tổn thương cơ quan nên cơ thể không thể duy trì tình trạng này quá lâu và sẽ khiến bạn mất đi “sự can đảm” đó. Nếu xét về trải nghiệm thì đây là một hạn chế rất lớn cho nhân vật, nhưng nếu xét trên thực tế thì yếu tố này khá thú vị và có phần hợp lý.
Trang chủ:
https://go88.blog