The Journey Down: Chapter One đã mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố point and click khá thú vị với sự hài hước đặc trưng cùng dàn nhân vật có tạo hình hết sức độc đáo. Vấn đề lớn nhất của trò chơi có lẽ là thời lượng chơi khá ngắn. Nếu không quan trọng thời lượng chơi thì đây là một lựa chọn khá hấp dẫn dành cho những ai yêu thích thể loại game dùng nhiều đến trí não này. Một điểm khá thú vị là Journey Down: Chapter One lồng tiếng tất cả mọi lời thoại của các nhân vật. Đây tuy là một điểm cộng nhưng cũng là một điểm trừ nhẹ khi chất lượng lồng tiếng không cao. Các diễn viên lồng tiếng không thổi được cái hồn đặc trưng cho các nhân vật mà họ đọc giống như học sinh lên bảng trả bài, không có lên giọng hay xuống giọng để tạo cảm xúc cần thiết cho nhân vật.
Ngay từ đầu trò chơi, Journey Down: Chapter One đã khiến tôi bất ngờ với phong cách đồ họa khá đặc biệt. Khuôn mặt các nhân vật là những hình dạng khá độc đáo lấy cảm hứng từ các mặt nạ của văn hóa Tây Phi, mang cảm giác vừa dễ sợ vừa có gì đó hài hước rất khó diễn tả. Toàn bộ môi trường màn chơi đều được vẽ tay rất ấn tượng, từ chiếc thủy phi cơ cho tới chiếc du thuyền sang chảnh hay khu đô thị rực sáng ánh đèn ở phía bên kia dòng sông. Tất cả đều mang đến những chi tiết đồ họa rất riêng, góp phần tạo sự khác biệt cho trò chơi so với những tựa game cùng thể loại trên thị trường.
Phiên bản mà tôi trải nghiệm trên Nintendo Switch hỗ trợ cả hai cách điều khiển là cảm ứng và sử dụng tay cầm Joy-Con. Tuy nhiên trên thực tế, việc kết hợp cả hai lối điều khiển này mới mang đến trải nghiệm tốt nhất. Đây có thể xem là lợi thế của phiên bản này so với các nền tảng game console khác chỉ có thể điều khiển bằng tay cầm. Bởi lẽ, trò chơi chỉ đơn thuần mô phỏng kiểu điều khiển của chuột và bàn phím từ PC sang hệ console sử dụng tay cầm. Do đó, người chơi sẽ sử dụng cần analog để mô phỏng thao tác di chuột và sử dụng một nút bấm cho việc tương tác.
Trong phần lớn các trường hợp, thao tác này khiến việc trải nghiệm diễn ra ở nhịp độ chơi chậm hơn. Bạn sẽ phải xoay cần analog để rà soát toàn bộ các khu vực trên màn hình, tìm những gì tương tác được bằng chữ xuất hiện, khá mất thời gian. Điều khiển cảm ứng thì ngược lại, đòi hỏi sự tinh mắt của người chơi vì bạn sẽ không thấy bất kỳ chữ hay vật tương tác nào được điểm sáng trên màn hình. Vấn đề ở chỗ, rất nhiều vật phẩm tương tác khá chìm trong cảnh nền tối của trò chơi, nên nếu chỉ quan sát thì nhiều khi bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ cho trải nghiệm.
Mặc dù nội dung của Journey Down: Chapter One không có gì hấp dẫn hay kịch tính về mặt cốt truyện, nhưng yếu tố giải đố sáng tạo và dàn nhân vật khá “tưng tửng đáng yêu” lại là một điểm cộng của trò chơi. Chẳng hạn, bạn có bao giờ nghĩ đến việc dùng dàn tản nhiệt trong phòng đông lạnh để… nướng bánh mì chưa? Hoặc dùng cánh quạt trần để làm cánh quạt cho một chiếc thủy phi cơ hay thậm chí bánh mì que để làm bậc thang? Những ý tưởng này không chỉ gói gọn ở yếu tố hài hước mà đôi khi còn rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến người chơi chỉ còn biết bật cười khi phát hiện ra lời giải “dơ dơ bẩn bẩn” mà trò chơi đặt ra.
Lối chơi giải đố point and click của Journey Down: Chapter One chú trọng vào các yếu tố giải đố truyền thống, như tương tác với vật phẩm và ghép hai vật phẩm lại với nhau thành một vật phẩm mới. Trò chơi gần như không có các mini-game để giúp thay đổi nhịp độ chơi như thường thấy ở các tựa game cùng thể loại khác trên thị trường. Thay vào đó là một số câu đố mang tính đánh đố bất công, đòi hỏi sự kiên trì không có lý do của người chơi. Mặc dù trong suốt toàn bộ trải nghiệm thì tôi chỉ gặp một mini-game dạng xếp ống nước và một câu đố bất công nói trên, nhưng điều đó cũng khiến tôi e ngại phần tiếp theo của trò chơi có thể lạm dụng yếu tố này.
Trang chủ:
https://go88.blog